Gần đây, dịch bệnh kéo dài, giá gas tăng liên tục khiến rất nhiều người dân chịu cảnh giãn cách phải lao đao. Song khi các thành phố đã bắt đầu hoạt động lại thì giá gas vẫn chưa có dấu hiệu giảm, ngược lại còn tăng liên tục đến mức kỷ lục. Mỗi bình gas đã chạm mức 500.000 đồng, mức giá vô cùng cao so với từ trước tới nay. Nguyên nhân được đưa ra là do dịch bệnh ảnh hưởng đến vấn đề vận chuyển, nguồn cung bị gián đoạn, từ đó chi phí giao nhận gas tăng cao. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến việc gas tăng giá 9 lần liên tục nhé!
9 lần gas tăng giá liên tiếp
Giá gas tháng 11 đồng loạt tăng, nối tiếp những tháng trước, đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ phải chi đến nửa triệu đồng để mua một bình gas loại 12kg. Nhiều chuyên gia dự báo, giá gas sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo thông báo từ nhiều công ty kinh doanh gas đầu mối, từ ngày 1.11, giá gas bán lẻ đồng loạt tăng thêm 1.417 đồng/kg, tương đương 17.000 đồng/bình 12kg và gần 64.000 đồng/bình 45kg.
Theo đó, giá gas các hiệu Vimexco, City Petro… bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 278.000 đồng/bình 6kg; 501.000 đồng/bình 12kg; 1.877.500 đồng/bình 45kg và 2.078.500 đồng/bình 50kg. Riêng loại bình gas vỏ nhựa VIP có giá 536.000 đồng/bình 12kg. Saigon Petro chốt giá bán lẻ gas tối đa đến người tiêu dùng là 478.500 đồng/bình 12kg.
Tháng thứ 9 trong năm nay giá gas tăng
Lý giải về việc giá gas tăng, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá giao dịch gas trên thị trường thế giới giao theo hợp đồng tháng 11 tăng tới 52,5 USD/tấn so với tháng 10. Khi đó ở mức bình quân có giá 850 USD/tấn. Do đó, các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ.
Giá gas trong nước hiện phụ thuộc vào diễn biến giá gas thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Theo ông Tuấn, giá gas biến động theo diễn biến nhóm mặt hàng năng lượng của thế giới gồm xăng, dầu, ga, khí đốt. Do đó, việc điều hành giá trong nước cũng phải theo diễn biến thị trường thế giới.
Còn tính từ tháng 6, giá gas đã 6 lần tăng liên tiếp. Cụ thể, vào tháng 6, giá gas bán lẻ trong nước đã quay đầu tăng giá với mức tăng là 14.000 đồng/bình 12kg. Và đến tháng 7/2021, giá gas tiếp tục tăng 30.000 đồng/bình 12kg. Sang tháng 8, giá gas bán lẻ được điều chỉnh tăng thêm 12.000 đồng/bình 12kg.
Đến tháng 9, giá gas tăng thêm 2.500 đồng/bình 12 kg. Tới tháng 10, mỗi bình gas loại 12 kg sẽ tăng thêm 42.000 đồng. Và đến tháng 11 này, mỗi bình gas loại 12 kg sẽ tăng thêm 17.000 đồng. Điều này kéo theo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng lên tới 500.000 đồng/bình. Đây là tháng thứ 9 trong năm nay giá gas tăng.
Không thể bình ổn giá
Theo các chuyên gia, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, giá gas liên tiếp tăng do gián đoạn nguồn cung sản phẩm khiến chi phí giao nhận hàng lên cao. Trong khi đó, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60%. Vậy nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.
Một đại diện của Cục Quản lý giá cho hay, hiện mặt hàng gas dù thuộc nhóm hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Nhưng chưa có Quỹ bình ổn như xăng dầu. Bởi vậy, việc kiểm soát giá gas hiện nay là doanh nghiệp niêm yết. Họ cần công khai giá bán để tránh tình trạng găm hàng đẩy giá.
Nếu mặt hàng nhà nước định giá thì mới xử lý được. Còn ở lĩnh vực kinh doanh mặt hàng này, các doanh nghiệp kinh doanh chỉ cần kê khai giá với Cục Quản lý giá. Nhà nước sẽ không đứng ra định giá.
“Việc quyết định sử dụng công cụ bình ổn sẽ phụ thuộc vào những mức độ nhất định. Tức là, chỉ dùng khi diễn biến có những tác động nhất định. Tác động này ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống kinh tế xã hội. Chúng có dấu hiệu nào đó giống như sự việc giá sữa tăng cao trước đó” – vị đại diện Cục Quản lý giá cho hay.
Giá gas tương đương giá dầu
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thông tin, tính đến nay, giá gas thành phẩm tương đương với mức giá xăng dầu. Nó đã tăng ở ngưỡng khoảng 180 USD/thùng.
Theo vị này, giá gas liên tục tăng là do tác động rất lớn của giá thế giới; Cộng với việc nguồn cung bị gián đoạn; chi phí logistics bị đẩy lên tới 5-6 lần so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19.
Dự báo, giá gas còn tăng đến năm 2022 khi nhiều nước đã mở cửa, khôi phục lại sản xuất. Nhu cầu nguyên vật liệu và năng lượng tăng rất cao trong thời gian vừa qua.